Theo nguồn tin nắm rõ vấn đề, Huawei và Xiaomi đang đàm phán với các nhà mạng lớn tại Mỹ nhằm triển khai kế hoạch bán các smartphone cao cấp của họ cho người tiêu dùng Mỹ ngay trong năm sau. Hiện tại, các hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc này đang đàm phán với AT&T, Verizon. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn đang trong giai đoạn đầu và hoàn toàn có thể đi vào ngõ cụt.
Apple có thị phần lớn tại Mỹ nơi mà họ dẫn đầu thị trường smartphone. Trong nhiều năm qua, "Táo khuyết" luôn vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh nhờ sự hỗ trợ từ các nhà mạng với các chương trình trợ giá và những đợt giảm giá tạo điều kiện cho người dùng sở hữu iPhone đắt tiền. Tuy nhiên, hững khoản trợ cấp này đã không còn nữa khi các nhà mạng dần bỏ phương thức bán điện thoại kèm hợp đồng trong vòng hai năm.
Huawei đã thử bán Mate 9 tại Mỹ thông qua các trang thương mại điện tử như Amazon nhưng hợp tác trực tiếp với nhà mạng sẽ giúp hãng smartphone số một Trung Quốc hiện diện rộng khắp trên toàn nước Mỹ thông qua các cửa hàng bán lẻ và quảng cáo trên truyền hình. Huawei cũng đang đàm phán về việc bán dòng smartphone cao cấp tại Mỹ thông qua các nhà mạng nhưng vẫn có kế hoạch bán Mate 10 qua các kênh thương mại điện tử.
Trong khi đó, giám đốc Xiaomi, Wang Xiang, đã từng nói rằng công ty của ông muốn xâm nhập thị trường Mỹ trong vòng hai năm tới nhưng quá trình đàm phán, thông qua những thông số kỹ thuật với nhà mạng có thể tốn nhiều thời gian. Xiaomi cũng đang cân nhắc việc mở những cửa hàng bán lẻ tại Mỹ để xây dựng thương hiệu của mình và bán ra những thiết bị như vòng tay theo dõi sức khỏe, cảm biến nhiệt độ, máy hút bụi... trước khi bán điện thoại. Hiện những sản phẩm này đã được bán trực tuyến tại Mỹ.
Cả Verizon, AT&T và Huawei đều từ chối bình luận về các thông tin trên.
Đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc đang nhắm vào thị trường Mỹ. Nhà mạng Mỹ đã cắt giảm trợ cấp khiến người tiêu dùng ngày càng phải trả nhiều tiền hơn cho smartphone, trong một số trường hợp để sở hữu điện thoại cao cấp họ phải chi tới hơn 1.000 USD. Các hãng Trung Quốc bán smartphone với giá rẻ hơn nhiều. Mate 9 của Huawei hiện đang được bán với giá chỉ 400 USD trên Amazon.
Thị trường smartphone Mỹ bị chi phối bởi Apple và Samsung. Và do hầu hết các điện thoại đều được mua qua nhà mạng nên gần như các hãng smartphone khác không thể kiếm được thị phần nếu không có sự hỗ trợ của AT&T và Verizon, hai nhà mạng lớn nhất nước Mỹ.
Các nhà mạng cũng rất tích cực trong việc hỗ trợ "những kẻ thách thức" Apple và Samsung. Trong khi Verizon hỗ trợ Google bán smartphone Pixel thì Sprint lại bán Essential Phone cho cha đẻ Android Andy Rubin. ZTE, một hãng sản xuất smartphone khác của Trung Quốc và là một trong những công ty thành công nhất tại Mỹ, đã bán smartphone Axon màn hình kép qua một thỏa thuận với AT&T.
Apple hiện vẫn đang thống trị thị trường Mỹ
Về phía mình, Apple coi Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất nhưng doanh số của họ tại đây đã giảm mạnh trong vài năm vừa qua. Theo IDC, trong quý 3, Apple chỉ bán được 8,8 triệu chiếc iPhone tại Trung Quốc, xếp sau Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi. Cũng theo IDC, hiện Apple chỉ còn chiếm 8% thị phần thị trường Trung Quốc, quá nhỏ bé so với 33% mà Huawei và Xiaomi đang nắm giữ.
Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu khả quan với Apple. Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, trước quý 3 năm nay Apple đã có 6 quý liên tiếp giảm doanh số iPhone tại Trung Quốc. Nhưng trong quý 3, doanh số iPhone đã tăng 40% so với năm ngoái.
Tháng này, CEO Tim Cook đã lần đầu tiên phát biểu tại Hội nghị Internet Thế giới diễn ra tại Trung Quốc. Động thái này nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với Apple.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng sự phục hồi của Apple sẽ không thể kéo dài. Dù iPhone X, mẫu kỷ niệm 10 năm ra mắt iPhone, có nhiều cải tiến và đột phá nhưng lại đắt hơn so với hầu hết các đối thủ.
"Sự tăng trưởng của Apple trong quý này chỉ là tạm thời", Mo Jia, nhà phân tích của Canalys, chia sẻ. "Mức giá quá cao của iPhone X sẽ ảnh hưởng xấu tới doanh số iPhone tại Trung Quốc".
Theo Bloomberg